Lịch sử Tiền Yên

Năm 337, Mộ Dung Hoảng thuộc tộc Tiên Ti tự xưng Yên Vương, dời đô đến Long Thành[1], sử gọi là Tiền Yên. Cha Mộ Dung Hoảng là Mộ Dung Hối là người kiến lập nước Tiền Yên sớm nhất.

Vũ Tuyên Đế Mộ Dung Hối (269-333) gốc quý tộc Tiên Ti, cát cứ vùng Liêu Đông, được nhà Tây Tấn phong tước Liêu Đông quận công, Đại Thiền vu, Xương Lê công, đặt nền móng cho Mộ Dung thị xây dựng Yên Quốc. Mộ Dung Hối quản lý người tộc Tiên Ti dưới thời Tấn Vũ Đế, hoạt động suốt vùng Đồ Hà[2] và Cức Thành[3], kinh doanh nông nghiệp, kiến lập chế độ chính trị, lợi dụng địa chủ tộc Hán làm quan lại, sai các con em quý tộc học tập Văn hóa Hán tộc.

Năm 333 Mộ Dung Hối chết, con là Văn Minh Đế Mộ Dung Hoảng (297-348) nối nghiệp cha, xưng Yên Vương năm 337 (đến năm 341 nhà Đông Tấn mới công nhận tước hiệu này), kinh đô ở Xương Lê (Cẩm Châu, Liêu Ninh), đánh tan Hậu Triệu.

Năm 339, Tiền Yên và Đại vương Thác Bạt Thập Dực Kiền thiết lập mối quan hệ hữu nghị giữa hai bộ tộc Tiên Ty thông qua hôn nhân. Năm 342, Tiền Yên định đô tại Long Thành.